Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Cách phát hiện trẻ bị viêm VA

Viêm VA là bệnh lý đường hô hấp hay gặp ở trẻ nhỏ, bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường xuyên tái phát và gây ra nhiều biến chứng. Do đó, cần chủ động hiểu biết về bệnh này để có biện pháp phòng ngừa đúng đắn.

Khi trẻ có biểu hiện viêm VA cần đưa đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Ảnh: H.Mai

Trẻ bị viêm VA cấp thường có biểu hiện như sốt cao 38-39 độ C, có khi co giật, nghẹt tắc mũi cả 2 bên, tăng khi nằm (trẻ phải thở bằng miệng). Sau đó, trẻ xuất hiện chảy nước mũi đục như mủ tăng dần và một số trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy…).

Viêm VA mạn là tình trạng VA quá phát sau nhiều lần viêm cấp. Trẻ nghẹt mũi thường xuyên, chảy mũi xanh, 2 bên mũi lúc nào cũng có nước mũi, trẻ thường xuyên thở bằng miệng và thỉnh thoảng có những đợt cấp bộc phát. Hiện nay, tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ sử dụng máy nội soi mũi họng để chẩn đoán chính xác bệnh viêm VA và phân biệt các khối u khác ở vòm mũi họng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh viêm VA, cần giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ như: nhỏ nước muối sinh lý 9‰ hay xịt dung dịch nước muối biển vào mũi cho trẻ. Khi trẻ bị chảy nước mũi thì việc rửa mũi và hút mũi rất quan trọng, giúp loại bỏ mủ và dịch viêm khỏi mũi, làm trẻ dễ thở, mau khỏi bệnh. Khi trẻ bệnh thì nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị tốt bệnh viêm VA, tránh các biến chứng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Tai biến mạch máu não

Đây là một biến chứng nặng, dễ tử vong, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ, tâm thần và đời sống người bệnh. Các di chứng tàn phế trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não (TBMMN) là một tổn thương ở não, nguyên nhân do mạch máu não bị vỡ hoặc bị bít tắc. TBMMN có các dạng chính là chảy máu não, chảy máu màng não, nhũn não, hoặc phối hợp các loại.

Chảy máu não: Do vỡ các động mạch cấp máu cho não, liên quan với tình trạng tăng huyết áp hoặc dị dạng mạch máu não.

Nhũn não: Do một nhánh động mạch não bị bít tắc. Nguyên nhân bít tắc mạch máu não có thể do mảng xơ vữa, cục máu đông từ xa bắn tới. Nhũn não do mảng xơ vữa chủ yếu xảy ra ở các mạch máu lớn (động mạch cảnh trong, động mạch sống, động mạch nền) song cũng xảy ra ở các động mạch não nhỏ và vừa ở bất kỳ vùng nào. Thương tổn lúc đầu chỉ là mảng xơ vữa gây hẹp dần lòng mạch, từ đó tạo thành huyết khối, sau cùng gây tắc mạch. Huyết khối đôi khi hình thành mới dù không có xơ vữa từ trước gặp ở bệnh nhân có tình trạng tăng đông máu.

Ai hay bị tai biến mạch máu não?

TBMMN thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. Lứa tuổi mắc bệnh là trung niên hoặc cao tuổi. Tuổi của những bệnh nhân TBMMN liên quan đến tăng huyết áp hay xơ vữa động mạch thường lớn hơn các bệnh nhân TBMMN do bệnh lý van tim.

Tai biến mạch máu nãoCác triệu chứng của tai biến mạch máu não.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị TBMMN bao gồm: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý van tim, nhất là khi có rối loạn nhịp tim kèm theo.

TBMMN xảy ra ở bất kỳ giờ nào trong ngày và bất cứ mùa nào trong năm, song thường xảy ra 1-10 giờ sáng và vào các tháng nóng nhất (tháng 7, 8) hay lạnh nhất (tháng 12).

Dấu hiệu nhận biết

Dấu hiệu điển hình của TBMMN là đi lại khó khăn. Ngoài ra, có thể thấy chóng mặt, mất cân bằng, mất định hướng; nói ngọng hoặc khó nói, không nói được; Có thể có cảm giác lẫn lộn, không hiểu người khác nói gì; yếu, tê bì vùng mặt, tay, chân (triệu chứng tê yếu có thể xuất hiện đột ngột, đặc biệt quan trọng nếu xuất hiện ở một bên cơ thể. Cố gắng giơ cao hai tay cùng lúc, nếu một tay rớt xuống, điều đó gợi ý bạn bị TBMMN); đôi khi, triệu chứng yếu nửa người chỉ xuất hiện kín đáo, nhưng người bệnh bị méo miệng khi cười, nói; đau đầu; có thể có buồn nôn, nhìn mờ, mất ý thức.

Các biểu hiện thường xuất hiện đột ngột. Trường hợp nặng nhất, người bệnh thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê... Có bệnh nhân không hề có biểu hiện tê hoặc đau nào mà đột ngột đi vào hôn mê.

Cần lưu ý thời điểm xuất hiện triệu chứng, vì thời gian từ lúc bị bệnh đến lúc gặp nhân viên y tế có thể quyết định hướng điều trị của bác sĩ.

Làm sao xử trí?

TBMMN là một tình trạng cấp cứu. Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện yếu, liệt mặt, khó nói, nhiều người tưởng lầm bệnh nhân bị trúng gió và đè ra đánh gió, bắt uống nước chanh. Điều này rất không nên do vùng hầu họng đã bị liệt nếu bắt bệnh nhân uống nước sẽ gây sặc vào đường thở, làm suy hô hấp cấp hoặc gây tăng huyết áp thêm nữa và làm chậm trễ thời gian đưa đến bệnh viện.

Đối với người bị TBMMN não thời gian là vàng. Xử lý đúng nhất là gọi ngay xe cấp cứu hoặc taxi đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Càng đến bệnh viện muộn, nguy cơ tổn thương não càng cao. Để tối ưu hiệu quả điều trị, tốt nhất là được điều trị ở bệnh viện trong vòng 3 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Khi di chuyển bệnh nhân nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang 1 bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Nếu người thân của bạn bị TBMMN, hãy ở cùng người đó và theo dõi chặt chẽ, trong lúc chờ xe cấp cứu.

Không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy vì có trường hợp bệnh nhân bị liệt một bên, không thể gác chân lên xe, khi đến bệnh viện chân bên liệt của bệnh nhân bị chấn thương chảy máu.

Điều trị như thế nào?

Điều trị cấp cứu

Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được bác sĩ khám. Thầy thuốc sẽ chỉ định chụp CT hoặc MRI sọ não sớm nhất có thể. Thăm dò này giúp chẩn đoán phân biệt tình trạng chảy máu não với tình trạng tắc mạch não (nhũn não). Điều này rất quan trọng, vì xử trí trong hai trường hợp là hoàn toàn khác biệt.

Nếu người bệnh được chẩn đoán là nhũn não và đến bệnh viện trong vòng 4 giờ rưỡi kể từ sau khi xuất hiện triệu chứng, thầy thuốc sẽ dùng thuốc làm tan cục máu đông, dẫn đến phục hồi dòng chảy mạch máu não, qua đó cứu sống những vùng não bị chết do thiếu oxy tạm thời.

Điều trị lâu dài

Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu

Tiểu cầu là những thành phần nhỏ trong máu, là nhân tố quan trọng của quá trình đông máu. Thầy thuốc sẽ sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu trong trường hợp nhũn não. Thuốc hạn chế hình thành cục máu đông trong lòng mạch, ngăn ngừa những cơn đột quỵ có thể xuất hiện về sau. Aspirin (với liều thấp) là thuốc chống ngưng tập tiểu cầu phổ biến nhất. Ngoài ra, một loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng là clopidogrel.

Nếu người bệnh không thể tự uống thuốc, các nhân viên y tế sẽ đặt một ống thông để truyền thức ăn và thuốc vào dạ dày.

Điều trị rung nhĩ

Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong buồng tim, cục máu đông bắn lên não sẽ gây TBMN. Nếu người bệnh bị rung nhĩ, thầy thuốc sẽ sử dụng thuốc chống đông để ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Thuốc chống đông phổ biến nhất là warfarin.

Điều trị hẹp động mạch cảnh

Người bị hẹp động mạch cảnh có nguy cơ đột quỵ cao. Nguyên nhân của hẹp động mạch cảnh thường do mảng xơ vữa. Nếu hẹp nhiều mạch cảnh, thầy thuốc có thể tiến hành thủ thuật nong hoặc đặt stent động mạch cảnh, hoặc tiến hành phẫu thuật bóc tách mảng xơ vữa.

Điều trị xuất huyết não hay xuất huyết dưới nhện

Trong trường hợp xuất huyết nhiều, thầy thuốc có thể chỉ định phẫu thuật để lấy huyết khối trong não. Đôi khi, phẫu thuật cũng được chỉ định để giảm áp lực trong sọ của người bệnh.

Các biện pháp tập phục hồi chức năng

Ngay sau khi tình trạng TBMMN ổn định, người bệnh sẽ được khuyên vận động sớm và bắt đầu các chương trình tập phục hồi chức năng. Điều này cũng giúp giảm nguy cơ tắc mạch do huyết khối tĩnh mạch.

Mục đích của liệu trình phục hồi chức năng là tối ưu hóa hoạt động thường ngày của người bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống sau TBMMN. Chương trình trị liệu bao gồm phục hồi chức năng vận động, phục hồi chức năng ngôn ngữ, chế độ ăn... Một chương trình phục hồi chức năng tốt sẽ thay đổi hẳn tiên lượng của người bệnh sau TBMMN.

Phòng ngừa tai biến mạch máu não

Có thể giảm nguy cơ TBMMN bằng cách dự phòng tình trạng xơ vữa mạch máu bằng cách:

Tăng cường tập thể dục, làm việc vừa sức, giảm cân, không ăn nhiều mỡ béo, nhiều chất bột, đường. Nên ăn nhiều rau, củ, trái cây.

Bỏ thuốc lá, thuốc lào vì các hoạt chất trong thuốc lá có thể gây tổn thương thành mạch, dẫn đến xơ vữa và hẹp mạch máu. Bỏ thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ xuất hiện TBMMN.

Theo dõi huyết áp định kỳ (mức lý tưởng cho mọi lứa tuổi là không quá 120/80mmHg). Khi đã được phát hiện tăng huyết áp phải uống thuốc đều hàng ngày theo đơn thuốc của bác sĩ và đi khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Tránh chữa tăng huyết áp theo kiểu khi nào thấy mệt hoặc nhức đầu mới uống thuốc.

Nếu bị đái tháo đường, phải ăn uống theo chế độ của người đái tháo đường, không ăn đường, giảm tinh bột, ăn nhiều rau, đủ đạm, ít béo, chia nhỏ bữa ăn, uống hoặc tiêm thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, tái khám và xét nghiệm máu định kỳ.

Chữa tăng cholesterol máu, ngừng uống rượu, điều trị bệnh tim nếu có.

ThS.BS. Đinh Huỳnh Linh

Trẻ đau bụng, chớ chủ quan

Bài viết dưới đây chúng tôi xin nêu những căn nguyên, biểu hiện đau bụng cấp ở trẻ em để bạn đọc nhận biết và đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Viêm ruột thừa cấp: Có thể gặp ở mọi lứa tuổi trẻ em. Trẻ đau bụng tự phát khu trú ở hố chậu phải, kèm theo sốt vừa và nhẹ (380C), rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn) đau kèm theo phản ứng thành bụng khi sờ nắn vào hố chậu phải. Hỏi trẻ đau ở đâu, trẻ thường chỉ vào vùng rốn, trẻ mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Cần xử lý bằng phẫu thuật. Nếu không mổ sớm thì ruột thừa bị mưng mủ hoặc hoại tử vỡ ra và gây viêm phúc mạc nguy hiểm đến tính mạng.

Để xác định nguyên nhân đau bụng ở trẻ em, cần có hiểu biết về cấu tạo khoang bụng.

Để xác định nguyên nhân đau bụng ở trẻ em, cần có hiểu biết về cấu tạo khoang bụng.

Lồng ruột cấp tính: Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Biểu hiện: trẻ đau bụng với những cơn đau ngắt quãng, đau từng cơn, mỗi cơn đau khóc thét, uốn người kèm theo nôn, da tái nhợt, có khi nôn hoặc đi ngoài phân lẫn nhầy và máu. Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay, trẻ được bơm hơi, tháo lồng sẽ có kết quả tốt. Ngược lại, thể gây hoại tử ruột, phải mổ cắt ruột và việc hồi sức sau mổ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Xoắn thừng tinh ở trẻ em nam: Trẻ đột ngột đau tinh hoàn kèm theo biểu hiện tăng thể tích tinh hoàn và rất đau khi sờ, đụng vào. Xoắn thừng tinh là một bệnh cảnh cần cấp cứu ngoại khoa can thiệp ngay. Nếu điều trị muộn tinh hoàn có thể bị hoại tử thành mủ, thoát ra khỏi bìu qua đường rò hoặc hoàn toàn bị teo trong vài tháng.

Xoắn u nang buồng trứng ở bé gái: Trẻ đau vùng bụng kèm theo nôn. Sờ nắn thấy một u ở vùng khung chậu - bụng.

Thoát vị bẹn nghẹn: Thắt nghẹn luôn là mối đe dọa đối với thoát vị bẹn ở trẻ em. Nguy cơ thắt nghẹn cao ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non. Khi bị nghẹt khối thoát vị căng và đau, sưng vùng bẹn hoặc bìu. Sờ, nắn vào trẻ phản ứng khóc to. Trong thoát vị bẹn ở nam các tạng sa xuống về phía bìu, còn ở nữ các tạng sa về phía môi lớn. Thoát vị bẹn nghẹt ở nam cũng như nữ nếu không xử trí kịp thời sẽ gây tổn thương nặng đối với tạng bị nghẹt, đặc biệt hoại tử vành quai ruột nguy hiểm đến tính mạng.

Lồng ruột - Một nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em.

Lồng ruột - Một nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em.

Bệnh động kinh thể bụng: Trẻ đau bụng, nhiều khi đau dữ dội, đau không theo chu kỳ, lúc đau lúc không, lúc sốt, đôi khi liên quan đến trạng thái thần kinh. Bệnh thường khó phát hiện, muốn chẩn đoán chính xác để điều trị bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện làm xét nghiệm, đặc biệt là phải điện não đồ.

Giun chui ống mật: Trẻ đột ngột đau bụng dữ dội kèm nôn nhiều, có trẻ còn nôn ra giun. Trẻ đau từng cơn, đau lăn lộn, vật vã; có trẻ phải ôm bụng hoặc nằm phủ phục, chổng mông để bớt đau hoặc bắt bế vác lên vai, bụng tỳ vào vai mẹ chạy quanh nhà. Rồi đột nhiên cơn đau dịu đi, trẻ mệt mỏi, vã mồ hôi, bụng hơi trướng, có phản ứng ở một phần tư bụng trên-phải, dưới bờ sườn phải và điểm dưới mũi ức rất đau, có thể thấy khối u (búi giun) ở vùng thượng vị. Đây là một trong những trường hợp đau bụng thường gặp ở trẻ 3-7 tuổi. Giun đũa chui qua cơ vòng Oddi vào đường dẫn mật. Số lượng giun lên ống mật có thể chỉ một, vài con nhưng có trường hợp tới hàng trăm con.

Tắc ruột do bã thức ăn: Trẻ đau bụng kèm theo nôn, bí trung đại tiện. Cơn đau bụng xuất hiện có thể xảy ra đột ngột và dữ dội; kéo dài khoảng 2-3 phút, giảm dần rồi lại đau trở lại; lúc đầu cơn đau thưa, sau đó cường độ ngày càng tăng và càng mau; điểm đau trên rốn, quanh rốn bên trái hoặc bên phải bụng, vùng chậu... sau đó lan tỏa nhanh chóng ra toàn bụng. Tắc ruột còn có thể gặp ở trẻ bị nhiễm giun nhiều, cơ thể gầy yếu. Các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải xử trí can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật để lấy khối bã thức ăn ra mới khỏi được, vì vậy cần thận trọng trong việc ăn uống và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng đến 1 năm/1 lần.

Lời khuyên của thầy thuốcTrẻ em bị đau bụng cần được theo dõi sát các dấu hiệu và nếu gặp một trong các trường hợp đau bụng cấp như trên cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Không tự ý dùng thuốc cho trẻ làm lu mờ các triệu chứng của bệnh.

TS.BS. Lê Thị Hương

Đau mắt đỏ

Do cấu tạo vỏ dai chắc của virus adeno đã giúp chúng đề kháng tốt với môi trường có pH cực đoan, khả năng sống sót cao ngoài môi trường trên bề mặt mà chúng bám vào. Dịch đau mắt đỏ dễ bùng nổ do lây nhiễm chéo liên tục trong các cộng đồng dân cư tập trung cao như trường học, ký túc xá, trại dưỡng lão... Mùa hè ở nước ta do thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho adenovirus lan tràn trong cộng đồng, khiến bệnh lây lan và bùng phát thành dịch.

Cho đến hiện tại vẫn không có thuốc đặc trị, làm rút ngắn thời gian hay giảm tiến triển của bệnh này. Do vậy, chiến lược phòng bệnh vẫn là tối quan trọng để giảm lây nhiễm bệnh, giảm gánh nặng cho y tế công cộng.

Đau mắt đỏAdenovirus gây bệnh đau mắt đỏ

Cách nhận biết

Ở giai đoạn tiền triệu, đau mắt đỏ biểu hiện như bị nhiễm cúm bao gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ. Sau đó các triệu chứng tại mắt nhanh chóng xuất hiện như: Đỏ mắt, phù mi, chảy nước mắt, cảm giác có cát trong mắt, cộm ngứa và sợ ánh sáng. Ban đầu bệnh thường xuất hiện ở một mắt nhưng có tới 70% sẽ bị cả hai mắt ngay trong tuần đầu tiên của bệnh, do lây theo con đường tay-mắt. Đau mắt đỏ thường khỏi sau 2-3 tuần, khả năng lây mạnh mẽ nhất từ ngày 10-14.

Đau mắt đỏ Đau mắt đỏ dễ gây biến chứng nếu không được điều trị thích hợp.

Ngay từ lần nhiễm virus đầu tiên bệnh nhân có thể bị giả mạc hay biến chứng vào giác mạc (lòng đen). Các thẩm lậu dưới biểu mô chính là tập hợp của bạch cầu và lắng đọng collagen có thể xuất hiện từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 sau khi bị bệnh, có tới 50% vẫn còn tồn tại trong những tháng sau này, thậm chí tới 1 năm. Các tổn thương dưới biểu mô là nguyên nhân gây giảm thị lực và loạn thị không đều cần được chăm sóc và điều trị tiếp. Do vậy chẩn đoán sớm, kiểm soát viêm nhiễm tốt là nhân tố tối quan trọng để hạn chế các biến chứng tiềm tàng có thể gây tổn hại cho thị lực của bệnh nhân.

Chẩn đoán có khó?

Việc chẩn đoán hiện nay chủ yếu dựa vào lâm sàng. Có tới 62-75% các viêm kết mạc nhiễm trùng là do adeno virus gây ra, cần nhanh chóng chẩn đoán và dự phòng lây nhiễm. Cũng có những test chẩn đoán nhanh viêm kết mạc do adeno virus bằng bộ công cụ Adeno Plus (Rapid Pathogen Screening), ứng dụng kỹ thuật phản ứng miễn dịch với độ nhạy là 88% và độ đặc hiệu là 91%. Tuy nhiên công cụ trên không phổ biến trên toàn cầu một phần vì chẩn đoán lâm sàng cũng đã đủ độ tin cậy cần thiết. Hơn nữa tuy không đủ tính cảnh báo cần thiết về khía cạnh kinh tế-xã hội, tác động lên y tế công cộng, đau mắt đỏ vẫn có thể gây nên giảm năng suất lao động, tiềm tàng các nguy cơ mù lòa cho mắt. Không nhận biết dịch sớm, nghiên cứu không liên tục về chiến lược phòng ngừa và chẩn đoán có thể là những nguyên nhân làm bệnh lan tràn ngay trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Điều trị đúng cách

Hiệu quả của corticosteroids

Trong quá khứ, các loại thuốc tra nhỏ có chứa corticosteroids như prednisolone rất hay được kê đơn để giảm nhẹ các triệu chứng của viêm nhiễm trong đau mắt đỏ. Nghiên cứu trên động vật thấy các steroids có tác dụng làm giảm viêm trong giai đoạn cấp, dường như giảm các đốm thẩm lậu dưới biểu mô. Tuy nhiên chúng lại tăng nguy cơ nhân đôi của virus, kéo dài thời gian bị bệnh trung bình của bệnh sang quá mốc 10-14 ngày. Viêm nhiễm kéo dài sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ với cộng đồng, cơ quan, trường học. Bởi những lý do đó, điều trị phổ biến bằng corticosteroid không được khuyến cáo cho đau mắt đỏ. Bác sĩ khi muốn kê thuốc này cho các hình thái đau mắt đỏ nặng cần cân nhắc rất cẩn thận nguy cơ và lợi ích.

Nhỏ mắt bằng povidone-iodine

Một chiến lược điều trị mới bằng dung dịch sát trùng nhỏ mắt povidone-iodine (betadine, alcon) đã được nhen nhóm. Trên nghiên cứu cho thấy dược thiện này làm bất hoạt virus adeno chỉ sau 1 phút tiếp xúc. Một nghiên cứu khác cho thấy dung dịch 2% của betadine làm tăng thời gian bất hoạt virus, hạn chế sinh sôi đáng kể virus adeno trên bề mặt nhãn cầu.

Đau mắt đỏ Nước bể bơi không đạt tiêu chuẩn về khử khuẩn là nguồn gây và lây nhiễm đau mắt đỏ.

Tác dụng phụ hay gặp nhất là cảm giác đau chói khi tra nhỏ vào mắt. Do vậy, chúng ta nên dùng một giọt thuốc tê tra nhỏ trước khi dùng tiếp betadine trên mắt. Tiếp theo nữa là một giọt nước muối sinh lý sau khi đã nhỏ betadine nhằm làm giảm kích thích và nguy cơ nhiễm độc có thể có. Sau đây là trình tự tra nhỏ betadine:

Nhỏ thuốc gây tê 0,5% proparacaine ophthalmic solution, chờ 30 giây để thuốc có tác dụng.

Nhỏ vài giọt 5% povidone-iodine ophthalmic solution vào cùng đồ dưới.

Cho bệnh nhân nhắm mắt, chớp mắt để thuốc lan tràn vào các bình diện bệnh lý của mắt.

Chấm thuốc còn thừa, rửa nước muối sau 1-2 phút.

Phòng ngừa bệnh là rất quan trọng

Adenovirus có khả năng lây nhiễm cao, lan tràn qua tiếp xúc tay hay diện bề mặt nhiễm bệnh với mắt. Hậu quả là các nơi công cộng, dụng cụ y tế, phòng khám mắt đều có thể bị phơi nhiễm virus. Rất nhiều phòng khám đã phải xây dựng chương trình phòng ngừa ban đầu bằng rửa tay, vệ sinh trang thiết bị và dụng cụ y tế bằng lau cồn, dùng các dụng cụ loại một lần, cách ly bệnh nhân với người xung quanh. Một trong các chương trình như vậy được tiến hành tại Bệnh viện Johns Hopkins, Hoa Kỳ. Tại đây, họ tập trung các nhân viên y tế có đỏ mắt, qua thời gian bị bệnh có thể quyết định cách ly khỏi phòng bệnh nhân. Thêm nữa, có thể cho người chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm nghỉ phép 14 ngày khi thấy họ có kết quả dương tính với phản ứng PCR dành cho adeno virus.

Đau mắt đỏCần đi khám chuyên khoa mắt sớm khi có biểu hiện của bệnh.

Vô khuẩn các bề mặt và dụng cụ: CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật quốc gia Hoa Kỳ) khuyến cáo dùng cồn 80 độ sẽ có tác dụng khử virus adeno trên các bề mặt. Với các loại nhãn áp kế, kết quả tổng kết mới đây cho thấy lau bằng gạc cồn cũng có tác dụng ngang bằng với việc ngâm dụng cụ bằng peroxide hay dùng đầu tip đo nhãn áp 1 lần để giảm khả năng lây nhiễm virus, trong khi vẫn cố gắng tiết kiệm chi phí.

Chiến lược phòng ngừa lan tràn của adenovirus

Các biện pháp sau đây cần được ứng dụng:

Xác định bệnh nhân nhiễm virus và cách ly họ vào phòng riêng.

Dùng các công cụ chẩn đoán nhanh xác định, lượng hóa và cách ly các đối tượng nhiễm virus adeno trong cộng đồng.

Rửa tay thật sạch sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Khi không thể thay thế hoàn toàn bằng các dụng cụ loại dùng một lần từ dùng gạc cồn vẫn hữu hiệu để loại trừ virus gây đau mắt đỏ.

Dùng povidone-iodine nhỏ mắt, tránh dùng corticosteroids.

Giáo dục bệnh nhân về giai đoạn cửa sổ, nguy cơ cho gia đình, bạn bè nếu họ tiếp xúc.

Lưu ý, đau mắt đỏ cho dù là lành tính và tự khỏi nhưng vẫn có nguy cơ tiềm tàng gây biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Vì vậy ngăn ngừa bệnh lây lan, quản lý tốt giai đoạn cửa sổ sẽ giúp cho bệnh không thể bùng phát và giảm nhẹ biến chứng.

Ngăn ngừa bệnh lây lan, quản lý tốt giai đoạn cửa sổ sẽ giúp cho bệnh không thể bùng phát và giảm nhẹ biến chứng.

BS. Hoàng Cương

Phát hiện và chọn cách chữa ung thư gan nguyên phát

Nhờ sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh, công nghệ sinh học... việc chẩn đoán bệnh ung thư gan nguyên phát sớm hơn, một số thuốc điều trị đích đã và đang được ứng dụng phần nào cải thiện thời gian sống cho người bệnh.

Ung thư gan nguyên phát hay còn gọi là ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nguyên nhân của bệnh có liên quan rõ rệt với viêm gan virut B, viêm gan C, sán lá gan, vai trò của aflatoxin B1, rượu. Phòng bệnh ung thư gan hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng cách tiêm phòng viêm gan, đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em và thay đổi lối sống.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Q.N

Những biểu hiện thường gặp của ung thư gan

Ung thư (UT) gan sớm thường không có triệu chứng. Khi UT phát triển lớn hơn ta có thể nhận thấy một hoặc nhiều các triệu chứng như: cảm giác nặng, đau hoặc tự sờ thấy khối vùng hạ sườn phải. Mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, gầy sút cân, buồn nôn và nôn. Vàng da, vàng mắt, phân nhạt màu, nước tiểu đậm màu. Khi có di căn xa có thể thấy kèm theo các triệu chứng của các cơ quan mà ung thư lan tới. UT gan thường lan đến phổi, có lẽ bằng đường máu. Một số ít trường hợp UT lan đến xương hoặc não.

Làm thế nào để biết bệnh ung thư gan?

Xét nghiệm máu

Không có xét nghiệm tầm soát đáng tin cậy và chính xác cho bệnh UT gan. Xét nghiệm sinh hóa sử dụng rộng rãi nhất là αFP (alpha-fetoprotein), αFP tăng gặp ở cả bệnh nhân viêm gan cấp và mạn tính (tăng mức độ nhẹ hoặc vừa). αFP tăng cao (trên 500ng/ml) rất gợi ý cho một UT gan, độ nhạy của αFP cho UT gan là khoảng 60%, do đó một αFP bình thường không loại trừ UT gan.

Chẩn đoán hình ảnh

Nghiên cứu hình ảnh siêu âm, CT scan, MRI đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán UT gan, giúp cung cấp thông tin về kích thước khối u, số lượng các khối u, sự xâm lấn và lan rộng của UT.

Sinh thiết gan hoặc hút tế bào

Thực hiện sinh thiết kim dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT scan, nguy cơ hay gặp nhất của phương pháp này là chảy máu do UT gan là khối u rất giàu mạch máu. Trong một số trường hợp UT gan, mô UT rất giống mô gan lành dưới kính hiển vi. Đôi khi có thể nhầm lẫn UT gan và ung thư tuyến trong gan. Các tiến bộ trong hóa mô miễn dịch có thể giúp phân biệt các trường hợp này.

Hút tế bào an toàn hơn sinh thiết do ít nguy cơ chảy máu, tuy nhiên, mẫu bệnh phẩm thu được bằng hút là khó khăn hơn.

Nên chọn phương pháp nào để chữa trị?

Lựa chọn phương pháp điều trị được quyết định bởi các giai đoạn của UT gan và tình trạng chung của bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt bỏ gan

Mục đích của phẫu thuật cắt gan là để loại bỏ hoàn toàn khối u và các mô xung quanh. Lựa chọn này được giới hạn ở những bệnh nhân có một hoặc hai u nhỏ (kích thước dưới 3cm) và chức năng gan còn tốt, không có xơ gan liên quan. Những bệnh nhân có khối u được phẫu thuật thành công, tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên đến 60%.

Ghép gan

Ghép gan là lựa chọn tốt nhất cho những bệnh nhân có khối u nhỏ hơn 5cm và có dấu hiệu của suy gan. Để phòng ngừa, làm sinh thiết hoặc hút tế bào nên tránh ở những bệnh nhân cân nhắc ghép gan.

Hóa tắc động mạch gan (trans-arterial chemoembolization or TACE)

Thủ thuật này cũng tương tự như bơm hóa chất động mạch gan, nhưng trong TACE có bổ sung những hạt gel nhỏ làm tắc mạch sau khi bơm hóa chất. Ưu điểm của phương pháp này là tập hóa chất nồng độ cao và không bị mang đi bởi máu. Bằng cách dựa trên chặn lưu lượng máu đến khối u, TACE cũng gây ra một số thiệt hại cho vùng gan xung quanh, bệnh nhân có thể có đau, sốt, nhiễm trùng, tích tụ chất lỏng.

TS. BS. Đỗ Anh Tú (Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện K T.Ư)

Phẫu thuật thoát vị bẹn thành công cho trẻ suy dinh dưỡng

Mẹ bé cho biết, buổi sáng ở nhà trẻ có biểu hiện quấy khóc, đến buổi tối trẻ quấy khóc nhiều, khi kiểm tra phát hiện bẹn phải của trẻ sưng to. Gia đình vội vàng đưa trẻ đến viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí khám.

Ngay khi tiếp nhận các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành khám, kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm cần thiết và tiến hành hội chẩn liên khoa giữa Khoa Ngoại tổng hợp, khoa Gây mê hồi sức, khoa Nhi. Sau khoảng 1 giờ kể từ khi nhập viện, trẻ nhanh chóng được chuyển tới phòng phẫu thuật phẫu để phẫu thuật cấp cứu điều trị nghẹt bẹn phải.

Sau khoảng 30 phút, ca phẫu thuật diễn ra thành công, sau đó trẻ được thở máy và điều trị tích cực tại đơn vị hồi sức tích cực nhi khoa.

BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Trưởng khoa Nhi bệnh viện cho biết, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ bị thoát vị bẹn đẻ non kèm thể trạng suy dinh dưỡng. Trường hợp của bệnh nhi N.V.Q.B cũng là 1 trường hợp tương tự. Cũng theo bác sĩ Điệp, bệnh nhi B. sau khi tiến hành phẫu thuật, sức khỏe trẻ tiến triển tốt, sau 6 giờ đã được cai máy thở.

Đến hiện tại trẻ tỉnh táo, không nôn, không sốt, bú tốt, vết mổ khô và sẽ được xuất viện trong 1 – 2 ngày tới. Sau khi đó trẻ sẽ tiếp tục được theo dõi tình trạng sức khỏe, thoát vị bẹn bên trái và sẽ có chỉ chỉ định phẫu thuật khi sức khỏe trẻ ổn định.

Bác sĩ của BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí đang thăm hỏi cháu bé

Việc phẫu thuật cho trẻ nhỏ mà đặc biệt là trẻ đẻ non, thể trạng suy dinh dưỡng đã được bệnh viện thực hiện thường quy. Qua đó khẳng định rằng việc gây mê và phẫu thuật cho trẻ nhỏ được bệnh viện thực hiện thành công, từ đó giúp cho các gia đình có trẻ nhỏ mắc bệnh không phải chuyển nên các bệnh viện tuyến trên để điều trị.

Qua đây, các bác sĩ bệnh viện khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ mà đặc biệt là gia đình có trẻ tiền sử đẻ non cần theo dõi trẻ chặt chẽ, khi trẻ có biểu hiện quấy khóc bất thường, xuất hiện các khồi sưng hoặc u to phần bẹn thì cần nghĩ ngay có thể trẻ đã bị thoát vị bẹn. Cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tiến hành thăm khám và có hướng can thiệp kịp thời. Tránh tình trạng bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Nhị Vũ

Biết dấu hiệu sớm suy tim để phòng đột quỵ

Tuy nhiên, có đến 40% trường hợp người suy tim không thể tìm được nguyên nhân cụ thể. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do suy tim lên tới 45% trong tổng số bệnh nhân mới mắc hàng năm. Vì vậy, việc phát hiện sớm và khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng.

Suy tim thường là hậu quả của nhiều bệnh tim gây ra. Đây là trạng thái bệnh lý trong đó cơ tim bị giảm khả năng cung cấp máu theo nhu cầu cơ thể. Bình thường tim có khả năng dự trữ ôxy để đáp ứng nhu cầu của cơ thể trong các thời điểm khác nhau; khi bị suy tim, cơ thể thiếu ôxy nên phát sinh hàng loạt triệu chứng bệnh lý, trong đó phổ biến là khó thở, ho, phù... Suy tim diễn tiến chậm trong nhiều năm, có nhiều biểu hiện giống với một số bệnh về đường hô hấp nên khó chẩn đoán.

Tim suy yếu do đâu?

Các chuyên gia phân chia các loại suy tim thành: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn thể. Theo đó, tất cả các bệnh làm ứ đọng máu trong thất trái hoặc làm cho thất trái làm việc quá nhiều đều gây suy tim trái như: bệnh hở van hai lá, hở van động mạch chủ, tăng huyết áp động mạch, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim do thấp tim hoặc do nhiễm độc, nhiễm khuẩn, nhất là viêm cơ tim do virut.

Biết dấu hiệu sớm suy tim để phòng đột quỵ

Ngoài ra, các trường hợp cản trở quá trình đẩy máu từ tim phải lên phổi đều gây suy tim phải như: hẹp van hai lá, bệnh phổi mạn tính (hen phế quản, xơ phổi, dính màng phổi, giãn phế quản...), bệnh tim bẩm sinh (hẹp động mạch phổi). Bên cạnh các nguyên nhân trên, suy tim còn là hậu quả của tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh kéo dài, mạn tính. Bệnh nhân bị đái tháo đường, người sử dụng hóa chất để điều trị ung thư, bệnh cơ tim do uống quá nhiều rượu... cũng có khả năng bị suy tim.

Bệnh suy tim có nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó khó thở có thể là một trong những dấu hiệu phổ biến. Tuy nhiên, theo Viện Tim mạch học Việt Nam, không phải cứ khó thở khi làm việc nặng là bị suy tim bởi đôi khi rất khó có thể phân biệt được chính xác nguyên nhân các dấu hiệu trên là do suy tim hay do bệnh ở phổi hoặc các bệnh hô hấp khác. Ho cũng là một biểu hiện khác của bệnh này. Ho có thể kéo theo khạc ra đờm lẫn máu, ho tăng khi nằm ngủ. Viêm cơ tim, tắc động mạch vành gây suy tim còn khiến người bệnh gặp phải những cơn đau xương ức lan ra cánh tay trái. Mệt mỏi, phù, tiểu đêm cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán suy tim.

Khác với suy tim trái, khi bị suy tim phải, máu về tim phải khó nên ứ lại ở ngoại biên làm ảnh hưởng đến gan. Ngoài triệu chứng khó thở, người bệnh sẽ có biểu hiện xanh tím do lượng huyết cầu tố khử tăng, môi, lưỡi dễ bị tím, có khi là tím toàn thân.

Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim mạch giúp làm chậm lại diễn tiến của bệnh. Nếu nhận thấy có các dấu hiệu như: đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi, ho, phù, không nên chủ quan nhất là khi bạn đang mắc các bệnh về tim mạch.

Xác định và điều trị suy tim

Nguyên tắc cơ bản trong điều trị suy tim là xác định căn nguyên gây suy tim. Muốn xác định căn nguyên này, các bác sĩ sẽ tiến hành nhiều xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng của bệnh. Hiện nay, phương pháp siêu âm tim được áp dụng phổ biến, cho phép đo đạc kích thước buồng tim, phát hiện các bệnh lý van tim, đánh giá sức co bóp cơ tim.

Ngoài ra, suy tim còn có thể được xác định bằng chụp xạ hình cơ tim, chụp cản quang buồng tim... Bằng cách đo nồng độ chất NT-proBNP trong máu, các bác sĩ không những chẩn đoán chính xác suy tim mà còn giúp phát hiện sớm suy tim ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.

Điều trị suy tim phải bắt đầu từ giai đoạn sớm vì khi tổn thương cơ tim đã hình thành ở giai đoạn nặng thì khó có thể cứu vãn. Khi đã xác định rõ nguyên nhân dẫn đến suy tim, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ hoặc sửa van tim hay dùng thuốc để ngăn chặn diễn tiến của bệnh theo chiều hướng xấu.

Biết dấu hiệu sớm suy tim để phòng đột quỵBác sĩ khám bệnh nhân bị đau tim.

Lối sống cho người suy tim

Suy tim là căn bệnh nguy hiểm, vì vậy người bệnh cần chú ý giữ gìn sức khỏe, đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý để không ảnh hưởng tới tình trạng của bệnh: Ăn chế độ giảm muối (giảm mặn, không mì chính...) vì ăn nhiều muối sẽ gây giữ nước và phù. Nên tránh mì chính, bột ngọt (là một dạng muối), các đồ chế biến sẵn. Lựa chọn các thức ăn có ít muối. Lượng muối trung bình một ngày không nên quá 2g.

Một số bệnh nhân nên hạn chế nước (uống và ăn) nhất là khi bệnh nặng.

Giảm cân nếu quá cân.

Không uống rượu nhất là đối với bệnh nhân suy tim do rượu.

Hoạt động thể lực phù hợp, tránh gây quá tải cho tim, nên theo lời khuyên của bác sĩ. Không nên chỉ ngồi một chỗ vì suy tim làm ứ máu, nếu không vận động sẽ khiến dễ bị tắc mạch hơn. Tuy nhiên, không giống như các cơ bắp khác, hoạt động nhiều không làm tim khỏe hơn mà có thể còn có hại nếu quá mức. Tốt nhất là tuân thủ chế độ hoạt động thể lực theo lời khuyên của bác sĩ. Biện pháp dễ làm nhất và có hiệu quả là đi bộ, bắt đầu từ từ và tăng dần từng tí một. Dừng ngay nếu khó thở, đau ngực hoặc hoa mắt.

Theo dõi cân nặng hàng ngày, tăng cân là dấu hiệu sớm cho biết tình trạng ứ nước trong cơ thể, suy tim nặng lên.

Dành thời gian để nghỉ ngơi, nhất là khi mệt.

Không hút thuốc lá.

Uống thuốc đều theo đơn. Không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ. Nên uống thuốc vào các giờ nhất định tùy theo công việc hay hoạt động để tránh quên thuốc. Cần nhớ các thuốc chữa suy tim không phải là thuốc bổ, không thể tự thay đổi liều. Rất nhiều người tự ý ngừng một loại thuốc chỉ vì khó uống (như gói muối kali) hoặc tự tăng liều vì coi đó là thuốc trợ tim (như digoxin) mà không biết rằng bác sĩ đã phối hợp các thuốc với liều tối ưu để tránh biến chứng. Nhiều người đã tử vong tại viện vì những sự tự ý như vậy.

Đi khám ngay nếu có các biểu hiện bất thường hoặc khi các dấu hiệu suy tim nặng lên. Đối với suy tim, điều trị càng sớm càng dễ dàng và hiệu quả.

BS. Mạnh Hùng

Cách phát hiện trẻ bị viêm VA

Viêm VA là bệnh lý đường hô hấp hay gặp ở trẻ nhỏ, bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường xuyên tái phát và gây ra nhiều biến chứng...